Nhìn lại 2024
Bài tập lớn có thể thay đổi cuộc sống của bạn trong năm mới!
Lại một năm nữa sắp qua.
Cuối năm là cơ hội quý giá để suy ngẫm về một năm đã qua và lập kế hoạch cho năm sắp tới.
Có một quy trình gồm 3 bước đã trở thành thói quen của mình mỗi dịp cuối năm:
Bước 1: Suy ngẫm về 12 tháng qua
Bước 2: Đặt mục tiêu cho 12 tháng tới
Bước 3: Thực hiện việc kiểm tra những thói quen
Quy trình này đã thay đổi cuộc đời mình, bởi nó giúp mình tái thiết chính bản thân, là nơi mình có thể quyết định mình muốn trở thành ai. Và bản tin hôm nay mình sẽ hướng dẫn nó cho bạn.
Bạn có thể sử dụng biểu mẫu miễn phí tại đây chọn “make a copy” và tinh chỉnh cho riêng mình nhé!
Hãy cùng đi qua từng bước nhé!
Bước 1: Suy ngẫm về 12 tháng qua
Mình là một người thuộc nhóm “target-oriented”, làm gì cũng cần có mục tiêu cụ thể và luôn thôi thúc đặt mục tiêu. Việc suy nghĩ kỹ lưỡng về nơi mình muốn tới giúp mình vững vàng hơn và cho mình trực giác tốt hơn về nơi muốn tới.
Không có chuyện đúng hay sai ở bước này, quan trọng là bạn dành thời gian cho nó. Hãy đọc lại:
những mục tiêu bạn đã viết ra cho năm trước
đọc tất cả các mục nhật ký và ghi chú trong 12 tháng qua
xác định những thành tựu, sự kiện lớn trong cuộc sống của 12 tháng
nhìn lại lịch trên Google Calendar của bạn để nhớ lại các sự kiện quan trọng
Tiếp theo, hãy đi sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống:
Hôn nhân
Nuôi dạy con
Gia đình lớn
Tài chính
Mối quan hệ
Công việc
Sự sáng tạo
Sức khoẻ tinh thần
Sức khoẻ thể chất
Đời sống tâm linh (spiritiuality)
Đánh giá từng lĩnh vực theo thang điểm từ 5-10 về mức độ phát triển, tiến bộ và thêm vào đây bất kỳ suy nghĩ nào xuất hiện thêm trong đầu.
Khi mình trải qua quá trình chiêm nghiệm, mình sẽ viết ra bất kỳ suy nghĩ, cảm xúc và quan sát xuất hiện một cách trung thực. Mình đã ngạc nhiên rất nhiều bởi có quá nhiều điều mình đã quên, hay tập trung vào những điều tiêu cực như thế nào ngay cả khi mình đã trưởng thành và đã có những thành tựu.
Bước 2: Đặt mục tiêu cho 12 tháng tới
Sau khi đã nhìn nhận lại một năm, mình sẵn sàng cho những điều muốn làm trong năm mới. Khó nhất không phải nghĩ ra mình muốn làm gì, mà là thực sự cần làm và giữ cho nó đơn giản.
Mình sẽ giới hạn bản thân trong:
1-3 mục tiêu sự nghiệp
1-3 mục tiêu cuộc đời
Khi có nhiều hơn 3 mục tiêu, mình bị phân tâm rất nhiều. Mình viết ra tất cả các ý tưởng mà không cần sắp xếp thứ tự, chỉ cần liệt kê mà thôi. Sau đó, mình xem xét và đánh giá từng mục tiêu dựa trên:
Niềm vui: mình vui thế nào nếu hoàn thành mục tiêu này?
Tác động: việc hoàn thành mục tiêu sẽ tác động thế nào tới sự nghiệp và cuộc đời mình?
Suy nghĩ sâu hơn về từng mục tiêu và khoanh vùng tối đa 3 mục tiêu mà mình thấy quan trọng nhất.
Bước 3: Thực hiện kiểm tra các thói quen
Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng nếu cứ lặp đi lặp lại một cách làm mà chúng ta đã từng làm. Mục tiêu trở nên tham vọng là bởi những thứ chúng ta chưa từng đạt được trước đây. Đồng nghĩa với việc ta PHẢI thay đổi.
Chúng ta đạt được mục tiêu bằng cách trở thành người có thể đạt được mục tiêu. Và thói quen sẽ xuất hiện ở đây.
Bạn là thói quen của bạn. Mục tiêu = điều chúng ta muốn đạt được + thói quen để đạt được chúng.
Muốn thay đổi hay tạo thói quen mới, hãy xem hiện tại thói quen của bạn đang như thế nào.
Hãy viết ra bất kỳ điều gì bạn cảm thấy đã trở thành thói quen của mình. Chỉ cần ghi lại, chưa cần quan tâm tới thứ tự ưu tiên.
Sau đó, hãy đánh giá bằng cách:
Niềm vui: nó mang lại cho mình bao nhiêu niềm vui?
Sức khoẻ: Tác động của nó đối với sức khoẻ (thể chất, tinh thần, tâm linh)
Mục tiêu: Tác động của nó đối với việc đạt được các mục tiêu trong bước 2
Mình nhận ra rằng có những thói quen khiến mình vui nhưng lại ảnh hưởng không tốt tới mục tiêu của mình. Hoặc có những thói quen tốt và tác động tới mục tiêu nhưng không mang lại niềm vui.
Điều thú vị nhất có lẽ là xem những thói quen nào có thể mang lại cho mình cả sức khoẻ, niềm vui và tác động tích cực tới mục tiêu. Hãy nhân đôi sự đầu tư vào đó. Đầu tư thời gian, thậm chí tiền bạc, năng lượng. Và thói quen không mang lại niềm vui hay sức khoẻ thì rõ ràng cần loại bỏ.
Sau khi đánh giá và suy ngẫm về từng thói quen, hãy quyết định xem mình giữ lại gì, cắt bỏ gì và thay đổi gì hay cần thêm bất kỳ thói quen nào mới.
Để dễ dàng, hãy tạo thêm các sheet theo từng tháng có đủ các mục tiêu cuộc sống, mục tiêu nghề nghiệp và thay đổi thói quen để theo dõi trong năm tới.
Lời khuyên cuối cùng của Linh
Hãy bắt đầu mỗi ngày mới bằng cách thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhất hoặc nhiệm vụ mà bạn muốn né tránh nhất.
Khi bạn hoàn thành nhiệm vụ đó, phần còn lại của ngày sẽ vô cùng dễ chịu. Nhưng nếu bạn trì hoãn, khi bạn đã gần cạn năng lượng và sự tập trung, bạn càng khó để hoàn thành nó.
Tương tự, với các mục tiêu bạn đã đề ra, hãy hoàn thành sớm nhất những việc khó khăn nhất. Sau đó, thời gian còn lại trong năm sẽ trở nên dễ chịu.
Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, từ tuần này để chiêm nghiệm về năm cũ, đặt mục tiêu cho năm mới và bắt đầu một thói quen mới. Không bây giờ thì bao giờ?
Dù việc từ bỏ thói quen xấu không hề dễ dàng, nhưng nếu bạn bắt đầu thì sau đó mọi thứ sẽ dễ dàng.
Hãy chọn tháng 1 làm tháng để từ bỏ những thói quen xấu, tập trung vào bản thân mình. Bạn có biết tháng 1 thường là tháng mà năng lượng FOMO sẽ thấp nhất trong năm?
Mình đã từng có những tháng 1 mang về 200 khách hàng đăng ký và xếp lịch cho 1 năm làm việc.
Mình đã từng có những tháng 1 hoàn thành 3 bản nháp của cuốn sách của mình và khách hàng.
Việc đặt mục tiêu và tạo động lực cho bản thân ngay từ đầu năm đã mang đến cho mình sự may mắn và thành quả.
Hoặc là mình đã hoàn thành kế hoạch giảng dạy cho toàn bộ các chương trình đào tạo năm tới, thậm chí là đã có học viên chờ của tháng 8 năm sau.
Hi vọng những gì mình gợi ý hôm nay sẽ giúp bạn có một bức tranh rõ ràng hơn về nơi bạn đã đến, nơi bạn muốn đến và con người bạn muốn trở thành.
Kỳ nghỉ sắp tới đây sẽ là cơ hội để dành ra vài giờ hoàn thành nó. Nếu bạn dùng biểu mẫu này, hãy cho mình biết. Mình rất muốn nghe nó sẽ giúp bạn như thế nào!
Ngoài ra, Linh tặng bạn một số những câu hỏi chiêm nghiệm hữu ích:
Điều gì đã khiến bạn thay đổi suy nghĩ trong năm qua? Nếu coi suy nghĩ tư duy như một chiếc phần mềm, thì phần mềm ấy năm nay đã được update thế nào?
Điều gì mang tới năng lượng cho bạn trong năm qua? Người nào đó, những hoạt động nào đó hay những dự án nào đó đã tạo ra năng lượng để bạn duy trì suốt cả năm?
Điều gì rút cạn năng lượng của bạn trong năm qua? Người nào đó, những hoạt động nào đó hay những dự án nào đó đã khiến bạn kiệt sức? Là bạn cho phép hay đã cố gắng vượt qua sự cạn kiệt ấy?
Ai là giữ hay ngăn cản bạn không dám, không thể làm những điều giúp bạn khám phá tiềm năng của bản thân? Ai là người phán xét? Là người đã cười vào ước vọng của bạn? Là người làm môi trường sống của bạn trở nên độc hại?
Đâu là những điều bạn đã không làm chỉ vì sợ?
Đâu là những cú hích và thành tựu tuyệt vời nhất và những bỏ lỡ tồi tệ nhất của bạn trong năm qua? Bạn chiêm nghiệm được gì qua những điều ấy?
Và cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất: điều gì bạn đã học được trong 01 năm qua?
Bạn có thể tự làm annual review một mình. Bạn cũng có thể làm cùng mentor, coach, partner.
Hãy tự review một mình trước, rồi sau đó làm cùng người khác hoặc trong một nhóm nhỏ.
Người ta bảo Year End Review là một dạng bài tập có thể giúp thay đổi cuộc đời. Nhưng thay đổi tới đâu thì còn tùy thuộc vào mức độ thành thật, khả năng tự soi chiếu chiêm nghiệm và cách mà bạn đặt câu hỏi đúng.
Chúc bạn một năm mới hứng khởi và ngập tràn hạnh phúc nhé!