Mình đã tìm ra lợi thế cạnh tranh khi làm nội dung như thế nào?
Tại sao mình làm nội dung chất lượng và sự đột phá khi tìm ra ưu thế trong việc làm nội dung.
Mình bắt đầu chia sẻ về content marketing từ năm 2013. Từ một fanpage chuyên chia sẻ về cách viết bài PR, các tài liệu truyền thông và làm tiếp thị nội dung, mình tự thành lập được một agency nho nhỏ và duy trì nó như một “side business” bên cạnh công việc fulltime.
Ở thời điểm đó, mình bắt đầu bằng việc học hỏi, copyworking nhiều chuyên gia và những người sáng tạo khác. Dẫu đó là một cách tốt để quen với việc làm nội dung và tạo ra một ngân hàng dữ liệu cho riêng mình, nhưng để tạo ra kết quả ngay thì chắc chắn là… không.
Những ngày đầu tiên, mình làm và viết theo bản năng, không thực sự có chiến lược hay các chủ đề nội dung làm trụ cột. Cho đến khi những khách hàng tự nhiên tìm tới, thì đó là lúc mà mình đã:
nói về những gì mình đang thực sự làm (trong chuyên môn)
cải tiến phần minh họa, đào sâu hơn nội dung đặc biệt là viết về case study
ngoài đăng trên fanpage, mình chia sẻ về trang cá nhân
Có nghĩa là:
Mình bắt đầu có khách hàng, khi chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm của riêng mình, chứ không phải là tổng hợp thông tin hay hiểu biết mình tìm thấy ở nơi khác.
Người đọc ngày nay rất thông minh và khó tính, nội dung độc đáo mà họ ưu tiên phải là thứ họ không tìm được ở nơi nào khác. Trong khi kiến thức là của chung, nếu chỉ tập trung vào thông tin hay kiến thức, bạn rất khó để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thì trải nghiệm hay những quan sát và câu chuyện cá nhân sẽ tạo ra sự khác biệt và tính độc đáo của riêng bạn. Khai thác được nó, bạn sẽ thắng. Còn không, sớm muộn gì, bạn cũng sẽ phải từ bỏ con đường làm nội dung.
Muốn trở nên nổi bật hơn, bạn phải tạo được những nội dung từ level 3 trở lên trong biểu đồ minh họa này. Những nội dung bạn có là thứ mà các đối thủ cạnh tranh của bạn không có. Nếu mãi chỉ loanh quanh ở cấp độ 1,2 việc xây dựng audience còn khó, đừng nói tới chuyện có thể kiếm được tiền từ nội dung.
Mình đã tìm thấy lợi thế cạnh tranh của mình thế nào?
Tháng 4/2021 mình bắt đầu bản tin này (sau khi mất account facebook đang có 40,000 organic followers). Mình nhận ra phụ thuộc vào chỉ một nền tảng là quá rủi ro khi còn không có phương án “back-up”, mất mà mất hết.
Tại thời điểm đó, đa phần mọi người đều nói “Viết dài làm gì, đâu có ai đọc”. Nhưng mình vẫn làm những bản tin dài tới 12-15 phút đọc, thậm chí dài hơn. Càng làm, nó càng cho mình nhận ra lợi thế cạnh tranh thật sự của mình.
Lợi thế cạnh tranh = một (hoặc một bộ kỹ năng) bạn làm dễ dàng nhưng lại khó đối với những người khác.
Một số người ngồi 6 tiếng không viết xong một bài viết 500 chữ, có người có thể hoàn thành một cuốn sách trong 6 tuần.
Một số người không thể kể chuyện, có người cùng một câu chuyện có thể kể theo 10 cách khác nhau.
Một số người không thể truyền cảm hứng, có người có thể thay đổi cuộc sống của người khác chỉ bằng một bài viết hoặc là một cuộc trò chuyện ngắn 30 phút.
Và điều đó là hoàn toàn bình thường, vì mỗi người sẽ có một lợi thế cạnh tranh khác nhau. Đừng nhìn vào lợi thế của người khác mà cho rằng mình kém cỏi. Lợi thế của chúng ta sẽ tới từ giáo dục, kinh nghiệm, những người ta gặp, những thứ ta đọc, công việc ta làm và rất nhiều những yếu tố khác.
Đây là lợi thế cạnh tranh mà mình đã phát hiện ra vào năm 2021:
khả năng nghiên cứu và thu thập thông tin liên quan tới chuyên môn và những trải nghiệm cá nhân
diễn giải và giải thích những kiến thức một cách sâu sắc với kỹ năng viết nhanh và gọn gàng, dễ hiểu
viết sâu nhưng bài viết có cấu trúc chặt chẽ, không lan man, giữ chân được người đọc tới cuối
tư duy thẩm mỹ và có khả năng lựa chọn hình ảnh tốt
nắm bắt tâm lý người đọc và có khả năng đồng cảm tốt (thực sự có thể nói ngôn ngữ của người đọc hoặc hiểu họ muốn gì/cần gì)
thao tác và học hỏi công nghệ nhanh, ứng dụng ngay lập tức vào công việc để tiết kiệm thời gian, khả năng multitasking
rất kiên định và cam kết với những gì đã chọn làm
Mọi người có thể làm tốt từng kỹ năng đơn lẻ nói trên, nhưng kết hợp đủ cả 7 thì mình tin là không nhiều. Hầu hết một người, ví dụ muốn làm một landing page, sẽ phải thuê người viết copy riêng và lập trình riêng. Nhưng mình có thể làm tất cả chỉ trong vòng 1-2 tiếng (tại thời điểm 2021) vào khoảng 20-30 phút (tại thời điểm này). Một người muốn hoàn thành một bản tin khoảng 3000-4000 chữ bao gồm minh họa có thể mất vài tiếng thậm chí vài ngày. Còn mình có thể hoàn thành trong khoảng 1 tiếng, bao gồm cả phần tự vẽ minh họa.
Trong 3 năm qua khi làm bản tin, mình đã chứng kiến rất nhiều người viết (kể cả chuyên nghiệp) đã “rơi rụng” hoặc “bỏ quên” bản tin của họ. Kể cả duy trì việc chia sẻ nội dung trên kênh mạng xã hội khác (như Facebook, LinkedIn…) cũng không đều đặn. Điều mình muốn nói ở đây là: chuyện viết nhiều không phải lợi thế cạnh tranh, mà là tổng hợp tất cả những điều khiến bạn làm dễ nhưng người khác không hề dễ để làm. Sau đó, đưa lợi thế này vào chiến lược nội dung của bạn.
Nhưng sự thật là, không phải tới 2021 mình mới bắt đầu rèn luyện các kỹ năng và biến chúng thành thói quen của mình.
Từ 2009, khi còn đang là sinh viên năm cuối, mình đã tự kinh doanh đồ handmade, đi làm bán thời gian được trả lương cho công ty truyền thông, hiểu về việc lập kế hoạch, viết bài, thiết kế, pitching, làm hồ sơ thầu… Sau này, các công việc liên quan tới tiếp thị, truyền thông đều đòi hỏi mình phải viết, tư duy ngôn ngữ, làm việc với hình ảnh nhiều - dù là đi làm cho doanh nghiệp hay nhận các dự án cá nhân.
Tất cả những kỹ năng mình có được khi làm việc, giao tiếp, quan hệ với người khác hàng ngày đã tạo thành một bộ kỹ năng khiến mình trở nên độc đáo hơn.
Khi cùng một lúc mình có thể:
tạo nội dung
thiết kế đồ họa
viết quảng cáo
lên chiến lược tiếp thị
nhạy bén với kinh doanh
nghiên cứu thị trường và liên tục cập nhật các xu hướng
nắm bắt tâm lý và hành vi của độc giả/khách hàng
Hãy nhìn lại những kinh nghiệm của bản thân trong quá khứ và xem bạn có tìm thấy kỹ năng nào bạn có thể xếp vào danh sách kỹ năng ở thời điểm hiện tại hay không.
Vậy lợi thế cạnh tranh của bạn là gì?
Một hướng dẫn ngắn bạn có thể làm ngay khi đọc bản tin này, nếu chưa thực sự rõ về lợi thế cạnh tranh của riêng mình:
Bước 1: Chọn kinh nghiệm chuyên môn tốt nhất của bạn (Đâu là điều mọi người cảm ơn bạn nhiều nhất khi bạn làm cho họ trong một tình huống cụ thể, đâu là điều bạn cảm thấy mình hữu ích và tràn đầy năng lượng khi làm trong tình huống đó?)
Bước 2: Liệt kê những đặc điểm rõ ràng hơn trong tình huống cụ thể đó (Bối cảnh là gì, bạn đã sử dụng những kỹ năng nào, viết ra tất cả những gì xuất hiện trong đầu bạn)
Bước 3: Phân tích cẩn trọng những gì bạn đã liệt kê (dành thời gian chọn ra 2-3 kỹ năng liên quan mà bạn thấy quan trọng nhất trong đó, tiếp tục liên kế những kỹ năng đó với một hoặc vài tình huống khác mà bạn đã từng trải qua)
Bước 4: Làm rõ lợi thế cạnh tranh của bạn (kết nối các kỹ năng thành một chuyên môn độc đáo mà bạn có thể làm dễ dàng nhưng người khác thì khó khăn)
Bước 5: Tìm các tình huống cụ thể để tận dụng lợi thế cạnh tranh của bạn (trường hợp nào bạn sử dụng nó hữu ích, rồi dựa vào danh sách này hãy viết ra các mục tiêu trong 1-2 năm tới của mình)
Lợi thế cạnh tranh thực sự có thể giúp sự nghiệp của bạn dễ dàng hơn, bởi vì:
bạn có thể làm việc thông minh hơn và công việc suôn sẻ hơn
bạn có cảm giác tự tin mạnh mẽ về việc hoàn thành
bạn cảm thấy mình hữu ích, có giá trị, được công nhận và có tham vọng
Bây giờ hãy đi vào các phân tích chi tiết và ví dụ minh họa cùng bài tập cho từng bước nhé!
Bước 1: Chọn kinh nghiệm chuyên môn tốt nhất của bạn
Bước này đòi hỏi bạn phải nhìn nhận lại toàn bộ kinh nghiệm làm việc của mình và xác định những khoảnh khắc khi bạn cảm thấy mình thực sự tỏa sáng. Đây không chỉ là những lúc bạn làm tốt công việc, mà còn là những lúc bạn cảm thấy đam mê, hứng thú và tràn đầy năng lượng. Điều quan trọng là phải xem xét cả phản hồi từ người khác và cảm nhận cá nhân của bạn.
Ví dụ minh họa:
Giả sử bạn là một nhân viên marketing. Bạn nhận thấy rằng mỗi khi bạn viết nội dung cho mạng xã hội, không chỉ khách hàng khen ngợi mà đồng nghiệp cũng thường xuyên nhờ bạn góp ý cho bài viết của họ. Bạn cũng cảm thấy rất hào hứng mỗi khi nghĩ ra một ý tưởng nội dung mới và viết nó ra.
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Trong 5 năm qua, khoảnh khắc nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất về công việc của mình?
Khi nào bạn cảm thấy thời gian trôi qua nhanh chóng vì bạn quá đam mê với công việc đang làm?
Bạn thường nhận được lời khen ngợi cụ thể nào từ đồng nghiệp hoặc khách hàng?
Bài tập nhỏ: Hãy lập một bảng với 3 cột: "Tình huống", "Phản hồi từ người khác" và "Cảm nhận cá nhân". Điền vào bảng này ít nhất 5 tình huống khi bạn cảm thấy mình đã thể hiện xuất sắc và nhận được sự công nhận.
Bước 2: Liệt kê những đặc điểm rõ ràng hơn trong tình huống cụ thể đó
Ở bước này, bạn cần đi sâu vào chi tiết của những tình huống bạn đã xác định ở bước 1. Mục đích là để hiểu rõ hơn về bối cảnh, các yếu tố tác động và những kỹ năng cụ thể bạn đã sử dụng. Đừng bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất, vì đôi khi chính những chi tiết nhỏ này lại tạo nên sự khác biệt.
Ví dụ minh họa:
Tiếp tục với ví dụ về nhân viên marketing, bạn có thể liệt kê:
Bối cảnh: Chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm mới trên Facebook
Kỹ năng sử dụng: Viết nội dung ngắn gọn, sử dụng từ khóa hiệu quả, hiểu tâm lý khách hàng
Công cụ sử dụng: Canva để thiết kế hình ảnh, Facebook Ads Manager để quản lý quảng cáo
Kết quả: Tăng 50% lượt tương tác so với chiến dịch trước
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Những yếu tố nào trong môi trường làm việc giúp bạn phát huy tốt nhất khả năng của mình?
Bạn đã sử dụng những công cụ hoặc phương pháp cụ thể nào để đạt được kết quả tốt?
Có kỹ năng nào bạn sử dụng mà ban đầu bạn không nhận ra là mình giỏi không?
Bài tập nhỏ: Chọn một tình huống cụ thể và vẽ một sơ đồ tư duy (mindmap). Đặt tình huống ở trung tâm và vẽ các nhánh ra xung quanh cho mỗi yếu tố: bối cảnh, kỹ năng, công cụ, kết quả, và bất kỳ yếu tố nào khác bạn cho là quan trọng.
Bước 3: Phân tích cẩn trọng những gì bạn đã liệt kê
Bước này đòi hỏi bạn phải có khả năng nhìn nhận tổng quan và phân tích sâu. Mục tiêu là xác định những kỹ năng cốt lõi xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được đâu là những kỹ năng thực sự tạo nên giá trị của bạn, không chỉ trong một tình huống cụ thể mà trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Ví dụ minh họa:
Từ ví dụ trước, bạn có thể xác định được 3 kỹ năng cốt lõi:
Khả năng viết nội dung ngắn gọn, súc tích
Hiểu sâu về tâm lý khách hàng
Áp dụng hiệu quả các công cụ digital marketing
Bạn nhận ra rằng những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong chiến dịch Facebook, mà còn trong việc viết email marketing, tạo nội dung cho website, và thậm chí cả trong việc thuyết trình ý tưởng cho khách hàng.
Câu hỏi chiêm nghiệm: