Gần đây trong một khảo sát với 400 người đang làm công việc kinh doanh và bán hàng trên online mà mình và mentee thực hiện, một trong những điểm yếu và nỗi đau được chia sẻ nhiều nhất (gần 30%) là “Thiếu kỷ luật và sự bền bỉ”.
Kỷ luật với người bình thường đã không dễ dàng. Kỷ luật với solopreneur còn khó khăn hơn gấp bội - so với các loại hình chuyên gia khác.
Chúng ta đơn độc, dù có cộng đồng, thì chúng ta vẫn một mình.
Thật dễ dàng để trì hoãn. Hoặc căng thẳng. Hay đầu hàng vì kiệt sức. Hoặc không làm những gì chúng ta định làm chỉ vì một lý do ngớ ngẩn nào đó mà monkey brain đã tạo ra.
Abraham Lincoln có một câu nói về kỷ luật mình vô cùng thích:
“Kỷ luật là lựa chọn giữa điều bạn muốn bây giờ và điều bạn muốn nhất”.
Bạn đã bao giờ từng hỏi mình những câu hỏi sau đây:
Làm thế nào để bắt đầu duy trì kỷ luật khi tôi đã quen với việc linh hoạt và không có lịch trình cố định?
Làm sao tôi có thể đối phó với sự phân tâm, đặc biệt khi làm việc từ nhà, nơi có nhiều yếu tố gây xao lãng?
Tôi nên làm gì khi cảm thấy mất động lực và khó khăn trong việc tự giác duy trì kỷ luật hàng ngày?
Làm thế nào để cân bằng giữa việc duy trì kỷ luật và tránh kiệt sức do làm việc quá mức?
Có chiến lược nào giúp tôi duy trì kỷ luật trong việc theo đuổi mục tiêu dài hạn mà không mất đi sự linh hoạt cần thiết cho sự sáng tạo và đổi mới?
Bản tin này sẽ tiếp sức cho bạn. Ít nhất, cũng cho bạn biết:
Lý do chính vì sao chúng ta dễ rơi vào tình trạng không có kỷ luật
Framework 4D giúp bạn tìm ra chính xác mình đang gặp khó khăn ở phần nào của sự kỷ luật
Một bật mí cho bạn: Linh ĐÃ TỪNG là một “thành phần” vô kỷ luật, cả thèm chóng chán, làm nhanh nhưng hấp tấp thiếu chỉn chu. Mất rất nhiều năm để Linh rèn luyện được kỷ luật cho bản thân, ít nhất là trong việc viết lách, làm nội dung hay duy trì các thói quen tích cực cho cuộc sống.
Tin vui là kỷ luật không tự dưng mà có. Không có ai sinh ra trên đời đã biết kỷ luật. Tất cả đều là do sự rèn luyện, giáo dục mà có. Chúng ta đều đã trưởng thành, và chiến đấu với bản thân vẫn luôn là cuộc chiến dai dẳng nhất.
Trước khi đọc tiếp bản tin, bạn cũng có thể nghe Linh chia sẻ một chút về “nỗi đau” kỷ luật của mình ở đây (từ phút thứ 33 nếu bạn không có nhiều thời gian nghe hết podcast):
Kỷ luật: thách thức lớn cho Solopreneur
Kỷ luật trong thế giới solopreneurship giống như việc tìm đường đi trong mê cung; không hề dễ dàng khi bạn chỉ có mình bạn làm đồng hành. Sự cô lập và tự chủ cao đòi hỏi một mức độ tự giác cực kỳ cao, một trận chiến không ngừng nghỉ giữa lòng kiên trì và cám dỗ của sự lười biếng. Một số lý do dẫn tới sự thiếu kỷ luật ở góc độ khoa học hành vi đó là:
Sự cô lập: Solopreneurs thường đối mặt với thách thức trong việc duy trì tự chủ do sự cô lập và thiếu sự hỗ trợ. Làm việc một mình có thể dẫn đến cảm giác cô lập, thiếu sự khích lệ và phản hồi từ người khác. Sự thiếu hỗ trợ này có thể làm suy giảm động lực và kỷ luật.
Tự do lựa chọn quá mức (khủng hoảng thừa): Solopreneur thường đối mặt với tự do không giới hạn trong việc quản lý thời gian và quyết định. Mặc dù tự do này là một lợi ích, nhưng nó cũng có thể gây ra sự mất tập trung và thiếu hướng dẫn rõ ràng, làm cho việc duy trì kỷ luật trở nên khó khăn.
Trì hoãn sự ghi nhận: Theo lý thuyết về sự trì hoãn sự thỏa mãn, con người có xu hướng đánh giá thấp phần thưởng tương lai và ưu tiên sự thoả mãn ngay lập tức. Solopreneurs phải thiết lập và theo đuổi mục tiêu dài hạn mà không nhất thiết được thưởng ngay, điều này đòi hỏi một mức độ kỷ luật cao.
Thách Thức Tự Quản Lý: Không giống như trong một môi trường công ty truyền thống, solopreneur phải tự quản lý mọi khía cạnh của công việc kinh doanh của họ. Điều này bao gồm tự đặt ra deadline, tự kiểm soát và tự động viên, tất cả đều yêu cầu một mức độ tự kiểm soát và tự quản lý rất cao.
Quá Tải Công Việc và Stress: Việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể trở nên đặc biệt khó khăn khi bạn phải quản lý mọi khía cạnh của việc kinh doanh. Stress và áp lực có thể gây ra sự mệt mỏi, làm giảm khả năng duy trì kỷ luật.
Biến Động Động Lực: Động lực không phải lúc nào cũng ổn định; nó có thể biến động do nhiều yếu tố như tâm trạng, sức khỏe, stress, và áp lực ngoại cảnh. Việc duy trì kỷ luật đòi hỏi phải vượt qua những biến động này và duy trì sự tập trung vào mục tiêu dài hạn.
Mình tin rằng solopreneur nào cũng sẽ phải đối mặt với một hoặc thậm chí tất cả những thách thức liên quan tới tự định hướng, tự kỷ luật và tự động viên. Việc hiểu rõ các yếu tố này và cách chúng tác động đến khả năng duy trì kỷ luật là chìa khóa để phát triển các chiến lược hiệu quả cho sự tự quản lý và thành công cá nhân.
Yếu tố 4D trong kỷ luật: bạn đang gặp khó khăn với yếu tố nào?
Giống như nhiều kỹ năng mềm, hiểu biết về kỷ luật của chúng ta bị ảnh hưởng và định nghĩa dựa trên những trải nghiệm thời thơ ấu.
Giờ chúng ta đã lớn và có quyền thay đổi bất kỳ điều gì bạn muốn. Tâm trí có ý thức có khả năng vượt qua những điểm yếu của tiềm thức một cách tuyệt vời khi nó nhận thức được chúng.
Hiểu đâu chính xác là yếu tố bạn đang gặp trong kỷ luật chính là mang lại cho bạn nhận thức.
Hãy thử đi sâu hơn vào từng yếu tố nhé!
1. Defining: Cách chúng ta định hình và quyết định lựa chọn
Cá nhân mình trải qua một thời thơ ấu không có nhiều sự tự lựa chọn: ăn gì, mặc gì, chơi gì, học gì… đều là do bố mẹ quyết định. May mắn, mình lại là đứa giỏi đấu tranh và phản kháng để bảo vệ cho lựa chọn của mình. Nhưng mình biết, trong thế hệ của mình, một đứa trẻ “ngoan” được định nghĩa là tuân thủ theo mọi lựa chọn và lắng nghe lời người lớn. Và điều này có thể trở thành một rào cản khi chúng ta làm solo.
Nếu đã quen với việc để người khác ra quyết định, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các ranh giới và quy tắc. Nhiều người rất giỏi tuân theo quy tắc - nhưng kinh doanh lại là một lĩnh vực khác.
Có 2 thứ bạn cần nhận ra: những quy tắc bạn có thể tạo và và quy tắc bạn phải tuân theo chúng. Và để nhận ra, bạn phải thực sự làm việc với bản thân với sự tự nhận thức sâu sắc.
Khi tiếp xúc với các solopreneur thành công, minh nhận ra những người hài lòng nhất với cách họ giải quyết trong những thời điểm quan trọng lại sở hữu những kỹ năng không thường có trong mô tả công việc. Họ giảm bớt thời gian làm việc điên cuồng và thực hiện quá trình tìm hiểu bản thân.
Một khi bạn có thể tự đặt ra các quy tắc, bạn cần thêm một chút tự tin để tin vào những quy tắc của mình và tuân thủ chúng.
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Bạn đã bao giờ cảm thấy mình bị mắc kẹt với những lựa chọn do người khác đưa ra chưa? Làm thế nào bạn có thể nhận diện và thay đổi điều này trong tương lai?
Những quy tắc nào trong cuộc sống hay công việc mà bạn đang tự đặt ra cho bản thân? Bạn cảm thấy chúng có phản ánh đúng giá trị và mục tiêu của bạn không?
Làm thế nào bạn có thể tạo sự cân bằng giữa việc tuân thủ quy tắc và sự sáng tạo trong việc ra quyết định của mình?
Bạn đã từng khi nào phản kháng lại những lựa chọn mà bạn cảm thấy không phù hợp với mình? Quá trình này giúp bạn hiểu gì về bản thân và khả năng ra quyết định của bạn?
Bạn sẽ làm gì để tăng cường sự tự tin vào những quyết định và quy tắc bạn tự đặt ra, đặc biệt khi phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài?
Gợi ý thực hành: Tạo bản đồ quyết định cá nhân
Dành một khoảng thời gian để tự mình suy ngẫm và ghi chép lại những lựa chọn và quyết định quan trọng bạn đã thực hiện trong quá khứ. Đối chiếu chúng với giá trị và mục tiêu cá nhân của bạn. Hãy nhìn nhận xem những quyết định đó đã hỗ trợ hay cản trở bạn đến đâu và đánh giá xem liệu bạn có cần phải điều chỉnh quy tắc của mình không. Sử dụng bản đồ quyết định này để xác định khi nào bạn nên theo đuổi lựa chọn của mình và khi nào bạn cần cân nhắc lại dựa trên giá trị và mục tiêu đã định. Điều này giúp tăng cường tự tin và khả năng tự quản lý, đồng thời cung cấp một khuôn khổ để ra quyết định mạnh mẽ và chủ động hơn trong tương lai.
2. Decoding: Hiểu và phân tích hậu quả của mỗi quyết định
Nếu chúng ta biết rằng một hậu quả không mong muốn sẽ xảy ra, khả năng chúng ta sẽ ít hành động hơn đáng kể. Chẳng hạn như khi lái xe quá đốc độ, ta bị phạt rất nặng và hầu hết mọi người sẽ cố gắng cẩn trọng để không đi quá tốc độ cho phép. Nhưng nếu như họ không bị phạt hoặc phạt quá nhẹ nhàng, họ sẽ vẫn tiếp tục làm vậy.
Trong trường hợp của solopreneur, chúng ta chẳng phải cam kết với ai ngoài cam kết với chính mình. Chúng ta cũng không bị phạt và chúng ta rất dễ buông thả bản thân mình. Hậu quả của việc không làm những gì chúng ta đã hứa sẽ làm là gì? Trong ngắn hạn, nó chẳng có gì đáng kể.
Lời khuyên rất phổ biến bạn có thể nghe là cần phải có tầm nhìn lớn hơn, tầm nhìn càng rõ ràng càng tuyệt vời thì bạn càng có động lực để đi theo. Nhưng mình biết, lời khuyên này không dành cho tất cả mọi người.
Thay vào đó, với một số người, cách hiệu quả là nghĩ về những chiến thắng rất nhỏ rồi cố gắng: đi du lịch trong 3 tháng nữa, đưa gia đình tới một nhà hàng sang trọng trong thành phố, nghỉ ngơi 3 tuần mà không cần động tới công việc…
Cá nhân mình, mình có một hình dung rõ ràng về tương lai nhưng thứ kéo mình duy trì kỷ luật thường là những chiến thắng nhỏ: có thể nghỉ 7-8 tuần liên tục mà không cần làm việc, đi chơi với con, sắm thêm một món đồ chơi công nghệ hay thậm chí là có thể mua được hạng business mỗi khi bay về Việt Nam.
Không phủ nhận sức mạnh của tầm nhìn. Nhưng những mong muốn cụ thể, ngắn hạn cũng rất thật và gần như chúng ta sắp được nếm thử chúng tới nơi. Hãy tưởng tượng đồ ăn đã được soạn sẵn nhưng rồi ai đó bưng mất của bạn, làm đổ nó… Thật là tàn nhẫn.
10 năm làm solopreneur trong cả vai trò part-time và full-time, mình muốn bạn biết: Mình đã kỷ luật hơn rất nhiều trong những năm qua, khi mình thay đổi tầm nhìn của mình với những mong muốn rất rất cụ thể.
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Làm thế nào bạn xác định được những chiến thắng nhỏ hoặc mục tiêu cụ thể của mình, và chúng có ảnh hưởng như thế nào đến động lực và kỷ luật của bạn?
Bạn có thể chia sẻ một ví dụ cụ thể về lần bạn đã duy trì kỷ luật và đạt được một mục tiêu nhỏ? Điều này đã mang lại cảm giác hoặc kết quả gì cho bạn?
Bạn đã từng mất kỷ luật và không thực hiện được cam kết với bản thân? Hậu quả là gì và bạn đã học được gì từ trải nghiệm đó?
Trong hành trình làm solopreneur, làm thế nào để bạn cân nhắc giữa việc tập trung vào mục tiêu dài hạn và những phần thưởng ngắn hạn?
Có bao giờ bạn cảm thấy việc tập trung vào những chiến thắng nhỏ khiến bạn lệch hướng khỏi mục tiêu lớn hơn không? Bạn đã điều chỉnh như thế nào?
Gợi ý thực hành: Xây phần thưởng cá nhân
Tạo một danh sách các mục tiêu và phần thưởng nhỏ liên quan đến mỗi bước tiến bạn thực hiện hướng tới mục tiêu lớn của mình. Điều này có thể bao gồm việc tặng bản thân một kỳ nghỉ ngắn, một buổi tối ở nhà hàng yêu thích, hoặc mua một món đồ công nghệ mới.
Hãy đảm bảo rằng phần thưởng đủ hấp dẫn để khích lệ bạn duy trì kỷ luật và tiếp tục nỗ lực.
Lập kế hoạch rõ ràng với các mốc thời gian cụ thể để đánh giá tiến trình và tự thưởng cho bản thân. Điều này tạo ra sự kỳ vọng tích cực và giúp bạn duy trì động lực.
Sau mỗi thành tựu nhỏ, dành thời gian để tự nhìn nhận lại hành trình của mình, đánh giá những gì đã hoạt động hiệu quả và xác định cách bạn có thể cải thiện hoặc duy trì kỷ luật trong tương lai.