5 giai đoạn để trở thành một solopreneur
Hành trình solo của mỗi người là duy nhất, nhưng biết mình đang ở đâu sẽ giúp bạn đi nhanh hơn và tập trung hơn.
Chào bạn,
Gần đây Linh thường nhận được những câu hỏi từ các độc giả của Freelance to Freedom và nhiều kênh khác rằng “Nếu muốn trở thành solopreneur thì tôi cần làm gì?”.
Hành trình solo của mỗi người là duy nhất không ai ai giống ai. Tuy nhiên, biết mình đang ở đâu sẽ rất hữu ích và giúp các bạn đi nhanh hơn, tập trung hơn.
Trong 5 năm làm solopreneur, Linh khám phá ra được 05 giai đoạn điển hình của hành trình solo này. Đó là:
Cân nhắc
Tìm kiếm con đường phù hợp
Thu hút sự chú ý, xây dựng uy tín
Trở thành chuyên gia
Mở rộng quy mô
Tất nhiên bạn không cần phải đạt được cả 05 giai đoạn mới là thành công. Với kinh nghiệm của Linh thì nhiều người vượt qua được giai đoạn 01 hoặc 02 đã là thành công rất lớn. Có điều, để một solopreneur có một cuộc sống thoải mái bền vững thì có lẽ chúng ta cần đi tới giai đoạn 04 - trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Một số sẽ tham vọng đạt những mục tiêu lớn hơn và mở rộng quy mô của họ khi làm solopreneur, thậm chí sau đó trở thành entrepreneur.
Hãy đi vào từng giai đoạn và khám phá những đặc điểm, thách thức cũng như cách đo lường thành công nhé!
Giai đoạn 1: Cân nhắc
Đây là giai đoạn mà bạn nhận ra những người xung quanh theo đuổi hoặc nói nhiều về solopreneur. Bạn tự hỏi “Liệu mình có thể trở thành solopreneur không?”. Lúc này, bạn chưa quyết định mình sẽ đi theo con đường solo nhưng rất tích cực tìm hiểu và xem xét mọi thứ (thậm chí đã thử một số công việc).
Thách thức:
Thiếu định hướng: bạn không biết mình sẽ đi đâu về đâu, và không chắc chắn về tương lai.
Thiếu kiến thức: bạn không biết nên bắt đầu như thế nào.
Thiếu sự tự tin: bạn liên tục tự hỏi “mình có thể trở thành solopreneur không”.
Thiếu sự cam kết: đặc biệt là về mặt thời gian bởi bạn không biết mình cần dành bao nhiêu thời gian để theo đuổi con đường này.
Thành công ở giai đoạn này có lẽ chỉ đơn giản là bạn DÁM đưa ra quyết định. Có người tiến lên, có người không. Và nếu bạn đã quyết định đi tiếp, bạn sẽ chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Tìm kiếm con đường phù hợp
Bạn cũng có thể biết nó ở một cái tên khác: chọn ngách, xác định thị trường phù hợp. Một số có thể gọi đó là tìm kiếm sự phù hợp với khách hàng. Dù là gì, mục tiêu trong giai đoạn này nên là thiết kế cách bạn và những gì bạn làm khi trở thành solopreneur có thể phù hợp với nhu cầu khách hàng và thị trường.
Hãy nhớ là mọi người sẽ chú ý đến chúng ta khi:
Họ có một vấn đề hoặc mong muốn rõ ràng
Chúng ta có thể đưa ra một giải pháp cho vấn đề hoặc mong muốn đó
Họ tin tưởng bạn
Lòng tin thì cần thời gian để xây dựng, thậm chí rất nhiều. Nhưng không có nghĩa là bạn phải chờ khi nào khách hàng tin thì bạn mới đưa ra giải pháp. Bạn cần có (ít nhất) là một giải pháp không chỉ khả thi mà còn phải khác biệt hoặc tốt hơn so với những lựa chọn hiện tại.
Thách thức:
Xác định profile khách hàng: phần lớn solopreneur trong giai đoạn này chưa rõ ràng thật sự về khách hàng và nhu cầu của họ.
Sự khác biệt: không dễ để bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong những điều mình làm, trong nội dung hay sản phẩm dịch vụ của mình trong giai đoạn này.
Bản sắc riêng có: bạn cũng có thể liên tục hỏi mình là ai với tư cách solopreneur, làm thế nào để tự nói về bản thân, để tạo ra một bản sắc riêng cho mình.
Thành công ở giai đoạn này có lẽ là có được sự rõ ràng về mục đích của bạn trong vai trò solopreneur. Mục đích đó phải trả lời thỏa mãn 4 câu hỏi:
Bạn giúp ai (và bạn giúp họ làm gì)?
Tại sao sản phẩm dịch vụ của bạn cần tồn tại?
Thông điệp của bạn là gì?
Vì sao bạn là người phù hợp cho thông điệp đó?
Ở giai đoạn này, nhiều người sẽ tập trung vào việc “chọn ngách”. Mình nghĩ chọn ngách không hề sai về mặt định hướng (mình vẫn đang định hướng học viên như vậy), nhưng nhiều người lại mắc kẹt với “ngách”. Thay vì nghĩ rằng nó phải là “ngách”, hãy chọn một mục đích (ngắn hạn, dài hạn) và nhóm khách hàng bạn muốn phục vụ rồi tạo ra sự khác biệt nhờ cá tính và năng lực riêng có của bạn.
Giai đoạn 3: Thu hút sự chú ý, xây dựng uy tín
Khi đã rõ ràng về chân dung khách hàng, cách mình phuc vụ và điều khiến mình khác biệt, bạn sẽ bước vào giai đoạn tăng cường thu hút sự chú ý, xây dựng sự ảnh hưởng và uy tín cá nhân.
Bạn sẽ có thể phát hiện ra một số tín hiệu cho thấy những gì mình đang làm là đúng đắn, có lợi cho khách hàng mục tiêu khi khách hàng phản hồi tích cực hoặc ai đó chia sẻ về những gì bạn đã làm.
Thách thức:
Giữ chân khách hàng cũ: bạn phải tìm cách để giữ chân khách hàng đã từng mua sản phẩm dịch vụ của mình.
Tiếp cận khách hàng mới: đồng thời bạn cũng phải đưa được những thông điệp của mình tới những đối tượng mới.
Thành công trong giai đoạn này là sự tăng trưởng một cách nhất quán (dù chậm). Tăng trưởng ở đây có thể là ở khía cạnh tăng trưởng follower, tăng trưởng số lượng khách hàng, tăng trưởng doanh thu… Giai đoạn này, solopreneur đã có thể có thành công nhất định về mặt doanh thu (ví dụ trong khóa học Becoming a Solopreneur khóa 1, mình đã có 5 học viên cán mốc doanh thu 100M/tháng, dù trước đó các bạn chỉ đặt mục tiêu thu nhập từ 15-25M/tháng).
Giai đoạn 4: Trở thành chuyên gia
Có lẽ đây là giai đoạn bạn sẽ tự tin và trở nên mạnh mẽ với quyết định mình sẽ trở thành solopreneur hoàn toàn.
Dựa vào sự ảnh hưởng đã tạo ra ở giai đoạn 3, việc mở rộng business và tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Ở giai đoạn này, kiếm tiền trở thành trọng tâm và sản phẩm dịch vụ cần đa dạng hóa.